Ký ức thời sinh viên

Ký ức thời sinh viên

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Đặc điểm nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn 1861 - 1913


Đặc điểm nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn 
1861 - 1913

Bài làm

Nền kinh tế Mỹ từ 1861 – 1913 là sự phát triển vượt bậc, đây là thời điểm đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sự kinh tế của Mỹ và là điểm bắt đầu cho một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Cuộc cách mạng công nghiệp được bắt đầu ở miền Bắc của nước Mỹ vào những năm cuối thế kỷ XVIII đã thúc đầy nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, trong nông nghiệp của nước Mỹ hình thành hai hệ thống đối lập nhau: ở phía Bắc nông nghiệp phát triển theo hướng trang trại tự do tư bản chủ nghĩa, ở đây các trại chủ chú trọng ứng dụng kỹ thuật và sử dụng phổ biến các loại máy móc nông nghiệp và thuê lao động. Trong khi ấy, ở phía Nam chế độ bóc lột nô lệ ở các đồn điền hết sức man rợ, đồng thời vơ vét kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên ở các đồn điền, bạo lực là yếu tố trực tiếp để quản lý người lao động trong sản xuất. Ở đây ít sử dụng máy móc, kỹ thuật, chủ yếu là khai thác và sử dụng đến kiệt quệ sức lao động của người da đen. Mâu thuẫn giữa hai hệ thông nông nghiệp ngày càng diễn ra gay gắt. Việc thủ tiêu chế độ nô lệ đồn điền đã trở thành vấn đề bức bách  đặt ra với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản nói chung và các chủ đồn điền nói riêng.  Mâu thuẫn gay gắt đã dẫn đến bùng nổ cuộc nội chiến vào tháng 4 năm 1961 và kết thúc vào tháng 4 năm 1965. Cuộc nội chiến đã mang lại thắng lợi cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở phía Bắc, thủ tiêu chế độ nô lệ đồn điền ở phía Nam. Tháng 5 năm 1862, luật cư trú được ban hành, quy định cấp phát đất không mất tiền cho các chủ trại. Đây là giải pháp dân chủ và tiến bộ trong chính sách ruộng đất, tạo điều kiện nông nghiệp phát triển theo hướng trang trại tư bản chủ nghĩa, tạo thị trường rộng lớn cho công nghiệp phát triển. “ Luật giải phóng nô lệ” được ban hành ngày 1 tháng 1 năm 1863, nô lệ da đen được giải phóng, là nguồn nhân lực quan trọng bổ sung cho công nghiệp phát triển. Đồng thời, chính sách bảo hộ mậu dịch đã thực hiện trên toàn lãnh thổ nước Mỹ, tạo cơ sở cho kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng được phát triển nhanh chóng, đưa nước Mỹ vươn lên vị trí hàng đầu về kinh tế vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỉ XX.
Sau giai đoạn nội chiến là thời kỳ bùng nổ của kinh tế Mỹ. Sau cuộc nội chiến ở Mỹ, kinh tế nước Mỹ có điều kiện phát triển nhanh chóng, từ một nước phụ thuộc vào châu Âu, nước Mỹ nhanh chóng trở thành cường quốc công nghiệp đứng đầu thế giới. Sản phẩm công nghiệp của Mỹ tăng rất nhanh, giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng 4,98 lần, từ 1.907 triệu USD năm 1860 lên 9.948 triệu USD năm 1894. Nhiều ngành công nghiệp quan trọng phát triển như ngành luyện kim. Năm 1913 sản lượng thép của Mỹ vượt Đức 2 lần, vượt Anh 4 lần đạt 31,3 triệu tấn. Ngành khai thác than sản lượng gấp 2 lần Anh và Pháp cộng lại. Năm 1882 mới xuất hiện nhà máy điện đầu tiên, đến năm 1913 sản lượng điện đạt 57 triệu Kwh. Năm 1892 sản xuất chiếc ô tô đầu tiên, đến năm 1913 đã sản xuất được 485.000 ô tô các loại. Các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng như: may mặc, giày da, chế biến thực phẩm … cũng phát triển mạnh.
Nông nghiệp nước Mỹ cũng đạt được những thành tựu lớn. Nhà nước có chính sách khuyến khích kinh tế trang trại như không đánh thuế vào hàng nông sản. Từ năm 1870 đến năm 1913 diện tích gieo trồng lúa mỳ tăng lên 4 lần, nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên canh, thâm canh, sử dụng máy móc và kỹ thuật, do đó giá trị sản lượng nông nghiệp năm 1913 tăng 4 lần so với năm 1870, từ 2,5 tỷ USD lên 10 tỷ USD. Nước Mỹ cung cấp 9/10 bông; 1/4 lúa mạch trên thị trường thế giới vào cuối thế kỷ XIX, và đầu thế kỷ XX.
Nước Mỹ từ một quốc gia đi vay đã nhanh chóng trở thành nước có ngoại thương phát triển và xuất khẩu tư bản. Nếu năm 1899 xuất khẩu tư bản của Mỹ mới đạt 500 triệu thì năm 1913 đạt 2.625 triệu USD, tăng hơn 5 lần. Năm 1870 kim ngạch ngoại thương đạt 1,5 tỷ USD, năm 1914 đạt 5,5 tỷ USD. Thị trường đầu tư và buôn bán chủ yếu của Mỹ là Canada và các nước vùng biển Caribbean, Trung Mỹ, các nước Châu Á đặc biệt là Nhật Bản và Ấn Độ. Sự phát triển của công nghiệp đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế của nước Mỹ. Cuối XIX nông nghiệp chiếm 50% thì đến 1913 chỉ còn 30% trong tổng sản phẩm xã hội.
Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là do nhiều nguyên nhân:
Do kết quả của cuộc nội chiến(1861-1865) đã xóa bỏ chế độ đồn điền ở phía Nam, tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển trên toàn lãnh thổ nước Mỹ. Sau nội chiến, chế độ bảo hộ mậu dịch được thực hiện đã giúp công nghiệp Mỹ tránh khỏi sự cạnh tranh của hàng hóa công nghiệp nước ngoài. Sự phát triển nông nghiệp trang trại tư bản với quy mô lớn đã tạo ra hậu thuẫn vững chắc cho sự phát triển công nghiệp.
Thời gian này nước Mỹ tiếp tục thu hút vốn, lao động, kỹ thuật từ các nước châu Âu. Từ năm 1865-1875, riêng ngành đường sắt Mỹ đã thu hút 2 tỷ USD đầu tư của nước ngoài. Đông thời, nguồn di dân từ các nước châu Âu sang mỹ đóng góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế Mỹ.
Kinh tế Mỹ phát triển thúc đẩy quá trình tích tụ tập trung tư bản và tập trung sản xuất và hình thành các tổ chức độc quyền. Độc quyền ở Mỹ diễn ra nhanh, quy mô lớn, thâu tóm hầu hết các ngành kinh tế chủ yếu trong công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, ngân hàng, bảo hiểm, …
Các tổ chức độc quyền không chỉ thâu tóm các ngành kinh tế trong nước mà còn vươn ra ngoài thê giới.
Tiếp thu kinh nghiệm và kỹ thuật của các nước khác. Việc hình thành những ngành công nghiệp và hiện đại của Mỹ có những đóng góp to lớn của kỹ thuật châu Âu. Trên cơ sở đó, nước Mỹ đã có nhiều phát minh, sáng chế, tạo điều kiện cho sự phát triển các ngành công nghiệp với kỹ thuật mới vượt lên trên các nước châu Âu.
Như vậy chúng ta có thể thấy rằng, giai đoạn 1861-1913 là giai đoạn phát triển thần kỳ, nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ. Từ một nước phụ thuộc kinh tế vào các nước châu Âu thì Mỹ đã vươn lên trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu trên thế giới. Giai đoạn này đã mở ra một kỷ nguyên phát triển mới cho nền kinh tế nước Mỹ cũng như đánh dấu sự xuất hiện của nước Mỹ hùng mạnh trên thế giới.
Đây cũng là một bài học quý báu cho dân tộc ta, bài học ấy nhấn mạnh đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp nhẹ, thu hút vốn, lao động, khoa học kỹ thuật của nước ngoài, sự kết hợp khéo léo giữa chế độ bảo hộ mậu dịch và mở cửa nền kinh tế…



TRỊNH XUÂN THỦY - CT38B - HỌC VIỆN NGOẠI GIAO
(24/05/2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét